Đậu Săng , Đậu Triều Cây Dược Liệu Cải Tạo Đất


Cây họ đậu thường được chúng ta sử dụng để cải tạo đất tự nhiên và tiết kiệm tiền bạc. Cây đậu săng, đậu triều hoặc có nơi được gọi là cây cọc rào vì thường mọc theo ranh, rào .
Contents
Đặc điểm cây đậu săng
Cây đậu săng cao từ 1-3m. Lá kép mọc so le, có 3 lá chét, nguyên, có lông, mặt trên xanh sẫm, mặt dưới trắng nhạt. Hoa màu vàng hay điểm những đường sọc tía, mọc thành chùm ở nách lá. Quả đậu dẹt, với 2-3 vết lõm chạy chéo trên quả. Hạt hình cầu, màu vàng nâu, nâu hay đỏ nhạt, tuỳ thứ. Mùa hoa quả tháng 1-3.


Ở Việt Nam, cây đậu triều mọc hoang dại hoặc được trồng với các công dụng như:
- Lấy lá nuôi tằm.
- Lấy quả và hạt làm thực phẩm (quả non thì xào, luộc, hạt già thì nấu chè, làm tương…).
- Lấy bột hạt làm thành phần thức ăn cho cá (có thể thay thế 20 % protein từ đậu nành) nhằm tiết kiệm chi phí.
- Làm cây ký chủ cho đàn hương trắng và cũng là cây chủ lý tưởng để nuôi cánh kiến đỏ.
- Làm thuốc.
Cách sử dụng cây đậu săng , đậu triều
1. Rễ và hạt
Theo y học cổ truyền, cả rễ và hạt đậu triều đều được dùng làm thuốc với tác dụng điều trị tiểu đêm, tiêu thũng, hạ sốt và giải độc.
Cách dùng: Sau khi đào về, rễ đậu triều được rửa sạch, thái nhỏ rồi phơi khô. Khi dùng, có thể tán bột hoặc sắc lấy nước uống. Nếu dùng hạt thì lấy hạt từ những quả đã chín, phơi khô và sắc lấy nước uống.
Liều lượng: 10 – 20 g rễ hoặc hạt mỗi ngày (3) (4).
Bên cạnh đó, nếu bị ho hay viêm họng, có thể lấy vài lát rễ đậu triều đã phơi khô để nhai và ngậm từ từ (5).
Thành phần dinh dưỡng: Được biết, hạt đậu triều cũng là một loại thực phẩm chứa nhiều năng lượng(343 kcal/ 100g hạt). Ngoài ra, trong hạt đậu triều còn chứa một lượng chất đạm đáng kể (22 %) cùng các vitamin, khoáng chất khác như: vitamin A, B6, Magie, Sắt, Canxi, Natri, Kali…
2. Lá đậu chiều
Theo kinh nghiệm dân gian, lá đậu triều có thể dùng như chất gây nôn để giải độc (thường là do uống nhầm thuốc trừ sâu).
Bên cạnh đó, khi bị các bệnh ngoài da như mụn nhọt, ghẻ lở, mẩn ngứa…, các bạn cũng có thể dùng lá đậu triều nấu lấy nước tắm (hoặc giã nát lá tươi rồi cho thêm chút muối và đắp lên da).
Ngoài ra, lá đậu triều còn giúp giảm đau răng bằng cách sắc lấy nước và súc miệng (hoặc lấy lá tươi giã nát rồi đắp lên nướu và chỗ răng sâu).
Một Số Bài Thuốc Từ Đậu Săng, Đậu Triều
- Điều trị cảm sốt, mụn nhọt và lên sởi ở trẻ em: lấy 15 g rễ đậu triều sắc chung với 10 g sài đất, 10 g kim ngân hoa và chắt lấy nước uống trong ngày.
- Điều trị tiểu đường: thường xuyên dùng hạt đậu triều làm thức ăn và ăn thêm rau lang đỏ trong các bữa ăn hàng ngày. Bên cạnh đó, mỗi ngày lấy thêm khoảng 30 g quả chuối hột xanh sắc lấy nước uống.


Một số hoạt tính của cây đậu triều
Qua các kết quả nghiên cứu khoa học, cây đậu triều được ghi nhận với các hoạt tính như:
- Chống oxy hóa (từ nhiều chiết xuất khác nhau của lá).
- Kháng khuẩn (chiết xuất chloroform từ lá) .
- Ngăn ngừa tổn thương gan do rượu gây ra (chiết xuất metanol từ lá).
- Tẩy giun (chiết xuất cồn từ thân và lá).
Lưu ý
– Kết quả thí nghiệm trên cá cho thấy lá đậu triều có độc tính (dù ở mức thấp). Do đó, chỉ nên dùng lá để ngậm hoặc dùng ngoài da (5).
– Mặc dù hạt đậu triều có mức năng lượng tương đối cao nhưng không nên lạm dụng trong thời gian dài để tránh thiếu chất dinh dưỡng. Ngoài ra, khi có nhu cầu làm thuốc, cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ về bệnh trạng và cách thức kết hợp thuốc để hiệu quả điều trị được cao hơn.