Mất Ngủ Phải Làm Gì ? Nên Sử Dụng Thuốc Gì ?


Mất ngủ thường làm cho chúng ta mệt mỏi vào ngày hôm sau. Nó ảnh hưởng đến công việc và sức khỏe đời sống khá nhiều. Mất ngủ thường xuyên làm tăng nhịp tim và là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác như : nhồi máu cơ tim, đột quỵ …
Contents
Mất ngủ theo cách nhìn của Tây y
1. Mất ngủ là bệnh gì?
Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể bởi giấc ngủ giúp cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng.
Một người bình thường có thời gian ngủ trung bình khoảng 7 – 8 giờ mỗi đêm, hoặc có thể dao động từ 4 – 11 giờ. Một giấc ngủ có chất lượng là phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản như: đủ giờ, đủ sâu và quan trọng là cảm thấy khoẻ khoắn, tỉnh táo khi thức dậy… Một số khảo sát cho thấy thời gian ngủ trung bình của con người giảm dần theo tuổi tác..
Mất ngủ có nhiều dạng bao gồm: Khó ngủ, ngủ không ngon giấc, thức dậy nhiều lần trong khi ngủ.
2. Những dấu hiệu của bệnh mất ngủ
Mất ngủ thường có những dấu hiệu sau:
- Khó ngủ.
- Khó duy trì giấc ngủ.
- Thức dậy sớm.
- Không thấy tỉnh táo hoặc thấy mệt sau khi thức dậy.
- Tỉnh giấc nhiều lần khi ngủ và khó ngủ lại.
3. Nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ
Bệnh mất ngủ do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, nếu chỉ bị mất ngủ thoáng qua thì có thể là do một số nguyên nhân sau:
- Căng thẳng, stress.
- Bị rối loạn giờ thức và ngủ trong ngày vì thay đổi lịch làm việc hoặc do chênh lệch múi giờ.
- Sử dụng các chất gây nghiện và kích thích như: Cà phê, trà, thuốc lá, rượu,…
- Ăn quá no trước giờ đi ngủ, gây nặng bụng, khó tiêu, ợ hơi.
- Các yếu tố về môi trường ngủ xung quanh như: có quá nhiều ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ, độ ẩm …


4. Mất ngủ là dấu hiệu của bệnh gì?
Nếu không phải do những nguyên nhân trên gây ra bệnh mất ngủ, đồng thời bị mất ngủ trong thời gian dài mà không chấm dứt thì có thể đó là mất ngủ mãn tính. Nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ mãn tính có thể là do người bệnh bị gặp vấn đề về sức khỏe hoặc bị mắc một số bệnh sau:
- Bệnh dị ứng: Trong không khí có các chất gây dị ứng làm viêm đường mũi và kích hoạt sản xuất các chất gây nghẹt mũi. Những triệu chứng này xảy ra vào cả ban ngày và ban đêm có thể làm gián đoạn giấc ngủ nghiêm trọng, gây ra bệnh mất ngủ.
- Bệnh viêm khớp: Những người bị viêm khớp gặp khó khăn khi ngủ. Viêm khớp và giấc ngủ tạo ra một vòng luẩn quẩn, bởi bệnh gây ra viêm và lo lắng, khiến người bệnh không ngủ được… Việc thiếu ngủ cũng có thể làm tăng triệu chứng viêm khớp và gây đau.
- Bệnh tim: Bệnh động mạch vành và các vấn đề khác liên quan đến tim và phổi khác cũng là những nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ.
- Các vấn đề về tuyến giáp: Tuyến giáp hoạt động quá mức làm các chức năng trao đổi chất khác của cơ thể tăng tốc, khiến người bệnh cảm thấy bồn chồn và tràn đầy năng lượng, gây cản trở khả năng thư giãn và chìm vào giấc ngủ.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất ngủ đối với những người nằm trong độ tuổi từ 45 đến 64. Triệu chứng của bệnh dạ dày trào ngược là ợ nóng, ho và nghẹt thở khi nằm xuống. Một số triệu chứng khác như viêm nướu, đau họng, ợ hơi và hôi miệng. Chính những triệu chứng này gây ra bệnh mất ngủ.
- Thay đổi nội tiết tố: Độ tuổi trung bình ở phụ nữ mãn kinh là 50 tuổi. Ở giai đoạn này, sự thay đổi nội tiết tố có thể khiến phụ nữ ngủ không ngon giấc.
- Ngoài ra, bệnh mất ngủ mãn tính có thể liên quan đến một số bệnh lý tâm thần như: trầm cảm, hưng cảm, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn stress sau chấn thương, nghiện (rượu và các chất dạng thuốc phiện) tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ.
- Các bệnh lý liên quan đến giấc ngủ khác như: ngưng thở khi ngủ, ác mộng, mộng du, chứng hoảng sợ trong giấc ngủ … cũng gây ra bệnh mất ngủ.
5. Tác hại của bệnh mất ngủ
- Dù là bị mất ngủ thoáng qua hay là mất ngủ mãn tính đều gây ra những tác hại như:
- Tinh thần không tươi tỉnh, tỉnh táo, thường xuyên thấy buồn ngủ, kém linh hoạt.
- Cơ thể mệt mỏi, dễ cáu gắt, giảm khả năng tập trung chú ý, trầm cảm.
- Ảnh hưởng đến khả năng làm việc và học tập, tinh thần không tỉnh táo dễ gây ra tai nạn khi lái xe, vận hành máy móc …
Điều trị bệnh mất ngủ chủ yếu là điều trị các triệu chứng. Nếu xác định được nguyên nhân gây mất ngủ thì kết hợp thêm điều trị nguyên nhân. Để chẩn đoán xác định và chỉ định điều trị, người bệnh cần có sự tư vấn và ý kiến của bác sĩ.
Nguyên tắc điều trị bệnh mất ngủ như sau:
- Loại bỏ những nguyên nhân chủ quan gây mất ngủ: Cần tìm hiểu nguyên nhân gây mất ngủ là gì, ví dụ như uống cà phê quá nhiều vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ, ăn quá nhiều thức ăn cay nóng, ăn quá no vào buổi tối trước khi đi ngủ, thay đổi múi giờ quá lớn, căng thẳng trong công việc… Sau khi tìm được nguyên nhân, người bệnh có thể tự điều chỉnh mà không cần dùng thuốc.
- Chuẩn bị giấc ngủ: Tạo tâm trạng thư thái, thoải mái trước khi ngủ, giường ngủ cần đặt nơi thoáng mát, chăn, mền, trải giường sạch sẽ v.v…
- Điều trị bằng thuốc: Một số loại thuốc có thể sử dụng để điều trị bệnh mất ngủ như các loại thuộc nhóm benzodiazepin. Tuy nhiên, khi sử dụng phải có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Một số loại thuốc khác không thuộc nhóm benzodiazepin đa phần là thuốc mới, người bệnh có thể tự mua mà không cần kê toa (Melatonin, Ramelteon). Một số thuốc chống trầm cảm và chống lo âu cũng được sử dụng cho những bệnh nhân bị mất ngủ có biểu hiện của bệnh trầm cảm. Một số loại thuốc chống loạn thần cũng có hiệu quả tốt tuy nhiên ít được khuyến khích sử dụng để điều trị bệnh mất ngủ. Ngoài ra, các loại dược thảo đông y cũng có tác dụng cải thiện giấc ngủ như tim sen, lá vông …
- Điều trị bằng các liệu pháp tâm lý: Hãy để giấc ngủ đến một cách nhẹ nhàng. Tạm thời gác lại các suy nghĩ, lo lắng và công việc trước giờ đi ngủ. Nếu không ngủ được sau khoảng 10 – 15 phút thì có thể tập một vài động tác nhẹ nhàng, thư giãn, tắm nước ấm, nghe nhạc nhẹ, … sẽ giúp hạn chế triệu chứng của bệnh mất ngủ.
Mất ngủ theo cách nhìn của Đông Y
Mất ngủ đông y còn gọi là chứng thất miên hoặc chứng Bất mị (Bất là không, mị là ngủ).
Triệu chứng:
Cả đêm không ngủ hoặc lúc ngủ lúc tỉnh, hoặc mộng nhiều dễ tỉnh, tim đập hồi hộp, hay quên, người mệt mỏi ăn không ngon, sắc không nhuận. Khó ngủ, ngủ vật vã hoặc mới ngủ lại bị tỉnh ngay tâm phiền, miệng khô, đầu váng, tai ù, ngũ tâm phiền nhiệt, lưỡi đỏ.
Nguyên nhân:
Mất ngủ có rất nhiều nguyên nhân mà theo đông y đều liên quan đến các tạng, Can Tâm,Tỳ, Phế thân, thường gặp trên lâm sàng các thể bệnh do tâm tỳ huyết hư, can khí uất kết, tỳ thận yếu. Điều trị trị Đông y quan tâm đến căn nguyên gây bệnh, vì vậy ưu tiên điều trị dứt điểm các nguyên nhân gây mất ngủ, điều hòa ngũ tạng, nâng cao thể trạng, mang lại hiệu quả lâu dài.
Theo Đông y : tâm chủ thần, can chủ nộ, tim khỏe mạnh, thần kinh tốt, lá gan bình hòa, tinh thần thư thái sẽ ngủ ngon giấc. Người bị mất ngủ, ngủ không ngon giấc là do tâm can bất ổn. Muốn điều trị hiệu quả bệnh mất ngủ phải bồi bổ tâm tỳ, thư can giải uất, an thần trấn kinh.
Một số phương pháp điều trị mất ngủ :
– Xoa bóp bấm huyệt điều trị mất ngủ: Bấm huyệt giúp thông kinh hoạt lạc, chữa trị nhiều bệnh, trong đó có cả bệnh mất ngủ. Một số vị trí huyệt đạo giúp điều trị mất ngủ: huyệt nội quan, huyệt thần môn, huyệt tam âm giao, huyệt dũng tuyền, huyệt phong trì, huyệt ấn đường, huyệt thái dương, huyệt thiên trụ. Điều trị bấm huyệt cần kiên trì và thực hiện đều đặn, đồng thời hạn chế sử dụng các chất kích thích và giữ cho tinh thần ổn định.
– Ngâm chân thảo dược: ngâm chân giúp lưu thông máu, tăng khả năng miễn dịch. Việc ngâm chân thảo dược mỗi tối bằng nước ấm trước khi đi ngủ sẽ làm hệ thống trung khu thần kinh được kích thích nhẹ, thoải mái, giải tỏa căng thẳng. Một số bài thuốc thảo dược có thể sử dụng cho ngâm chân như: quế, sả, gừng…
– Dùng thuốc thảo dược: các bài thuốc đông y điều trị mất ngủ thường sử dụng nguyên liệu các loại cỏ cây, thảo dược. Vì vậy những bài thuốc này thường không hiệu quả ngay lập tức, nhưng an toàn, không gây tác dụng phụ, có tác dụng hoạt huyết, dưỡng não, thông mạch, cải thiện tận gốc nguyên nhân gây bệnh. Một số thảo dược gừng, cam thảo, tâm sen, táo nhân, Lạc Tiên, Lá Vông Nem, Trinh Nữ, Bình Vôi…
– Châm cứu điều trị mất ngủ: châm cứu chữa mất ngủ là phương pháp trị liệu theo y học cổ truyền,áp dụng những y lý Đông y, tác động vào các huyệt đạo nhất định giúp người bệnh tìm lại giấc ngủ ngon và sâu. Châm cứu được đánh giá là phương pháp chữa mất ngủ hiệu quả cao và an toàn nhất hiện nay, không cần dùng thuốc.
Các bài thuốc Đông Y chữa mất ngủ
Bài 1: Thiên vương Bổ tâm đan trị mất ngủ từ Đông y
Đây là bài thuốc chữa mất ngủ nổi tiếng trong Đông y Trung Quốc, được ghi lại trong nhiều sách cổ. Bài thuốc được sử dụng với công dụng chính là an thần, tư âm, dưỡng tâm, bổ huyết giúp giải quyết tình trạng mất ngủ do gặp các vấn đề về tim mạch hoặc thần kinh.
Bài quyết cũng giúp chữa trị tốt các chứng mộng tinh, tinh thần bồn chồn hồi hộp, trí nhớ giảm sút, lúc quên lúc nhớ…
Các vị thuốc :
- Đan sâm: 15g
- Nhân sâm: 18g
- Huyền sâm: 15g
- Phục linh: 15g
- Sinh địa hoàng: 120g
- Đương quy thân: 60g
- Cát cánh: 15g
- Ngũ vị tử: 15g
- Thiên môn đông bỏ lõi: 60g
- Mạch môn đông bỏ lòi: 60g
- Bá tử nhân: 60g
- Toan táo nhân: 60g
Cách làm:
Tất cả các vị thuốc đem phơi khô, hoặc sấy thật khô rồi tán thành bột nhuyễn. Trộn thêm chút nước thành bột đặc rồi nặn thành viên thuốc to cỡ hạt ngô. Bọc thêm một lớp bột chu sa ở bên ngoài, bảo quản nơi khô ráo. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên đan, uống cùng nước sôi để nguội. Khi uống thuốc này kiêng một số thực phẩm như: rượu, tỏi, rau diếp cá, củ cải.
Bài 2: Quy tỳ thang trị mất ngủ
Quy tỳ thang là bài thuốc trị mất ngủ nổi tiếng của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Bài thuốc được sử dụng hiệu quả cho người mất ngủ do cơ thể mệt mỏi, suy nhược, người sau ốm dậy, phụ nữ vừa qua sinh nở, người rối loạn tinh thần, tâm không yên ổn, người già cơ thể yếu… Triệu chứng chung thường gặp ở những người này là cơ thể gầy yếu, thường xuyên tỉnh dậy trong đêm, lưỡi nhạt, người mệt mỏi uể oải.
Chuẩn bị bài thuốc như sau:
- Mộc hương: 6g
- Viễn chí: 8g
- Chích hoàng kỳ: 16g
- Hắc táo nhân: 20g
- Đại táo: 4g
- Chích cam thảo: 4g
- Bạch truật: 4g
- Sinh khương: 4g
- Đương quy: 4g
- Nhân sâm: 12g
Cho tất cả thảo dược vào nồi sắc thuốc, thêm vào 500ml nước sắc đến khi còn khoảng 200ml thì chia uống 3 lần, mỗi ngày 1 thang.
Bài 3: Ôn đởm thang chữa chứng mất ngủ
Ôn đởm thang là bài thuốc Đông y thường được các thầy thuốc xưa áp dụng. Đến nay, bài thuốc vẫn cho thấy hiệu quả nhất định trong điều trị căn bệnh mất ngủ do các vấn đề về tiêu hóa, dạ dày, gây ra miệng đắng, lưỡi vàng nhớt, nhiều đờm, khó tiêu, đầy bụng…
Các vị thuốc:
- Quất hồng bì: 12g
- Phục linh: 12g
- Bán hạ: 12g
- Trúc như: 12g
- Chỉ thục: 8g
- Cam thảo: 6g
Cách làm:
Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị vào ấm sắc thuốc, thêm vào 1 lít nước rồi đun liên tục ở lửa nhỏ đến khi cạn còn một nửa. Chia thuốc thành 3 phần uống trong ngày, mỗi ngày sắc 1 thang như vậy.
Bài 4: An thần định chí hoàn trị chứng mất ngủ
An thần định chí hoàn là bài thuốc Đông y sử dụng thích hợp cho những trường hợp mất ngủ do túi mật gặp vấn đề, khiến người bệnh mệt mỏi, đau nhức, mất ngủ, giấc ngủ không yên, thường gặp ác mộng, sợ hãi, âu lo, thường xuyên tỉnh giấc, khó ngủ lại…
Các vị thuốc:
- Thạch xương bồ: 12g
- Long xỉ: 12g
- Phục linh: 12g
- Phục thần: 12g
- Nhân sâm: 8g
- Viễn chí: 8g
Cách làm:
Cho tất cả nguyên liệu vào ấm sắc thuốc, thêm nước rồi sắc lửa nhỏ trong ít nhất 1 giờ thì chia uống 3 lần, mỗi ngày 1 thang.