Trắc Bá Diệp – Cây Cảnh Đẹp, Cây Thuốc Quý Lương Huyết, Cầm Máu


Contents
Đặc điểm cây trắc bá diệp
Mô tả:
Trắc bách diệp là loài cây rất đẹp, xanh tốt quanh năm. Cây có thể cao tới 6- 8m. Thân phân nhánh nhiều trong những mặt thẳng đứng làm cho cây có dáng đặc biệt. Lá mọc đối, dẹp hình vẩy. Nón hình trứng 6-8 vẩy dày. Hạt hình trứng, không có cạnh, màu nâu sẫm, có một sẹo rộng màu nhạt hơn ở phía dưới.
Phân bố:
Cây được trồng ở khắp nơi để làm cảnh và làm thuốc. Còn mọc ở Trung Quốc, Liên Xô cũ (vùng Capcazơ). Lá có thể hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào tháng 9-11, hái cả cành, cắt bỏ cành to, phơi khô trong mát.
Thu hái và chế biến:
Lá trắc bách diệp có thể hái quanh năm, nhưng tốt nhất từ tháng 9 đến tháng 11 (hái cả cành, cắt bỏ cành to, phơi khô trong mát, cất đi dùng dần). Còn hạt thu hái vào mùa thu, mùa đông (phơi khô, xát bỏ vẩy ngoài, rồi lấy hạt phơi khô)
Thành phần hóa học
Trắc bá diệp có tinh dầu (fenchon, camphor, borneol acetat, terpinol), flavonoid (myricetin, hinokiflavon, amentoflavon, quercitin) và lipid (exter của acid: juniperic, sabinic, pimatic, isopimaric…) …
Tác dụng dược lý:
Tác dụng cầm máu:
Nước sắc Trắc bá diệp đối với thời gian chảy máu của chuột nhắt và thời gian đông máu của thỏ đều có tác dụng rút ngắn, thuốc có tác dụng cầm máu, nhưng than Trắc bá diệp tác dụng đông máu kém hơn.
Tác dụng giảm ho:
Phần lắng đọng của nước sắc với rượu, dịch chiết xuất cồn có tác dụng giảm ho rõ. Có thể là thuốc tác dụng lên trung khu thần kinh.
Tác dụng long đờm:
Dịch chiết xuất cồn của thuốc có tác dụng long đờm.
Tác dụng giảm cơn hen:
Cặn lắng nước sắc cồn có tác dụng làm giãn cơ trơn của khí quản cô lập của chuột Hà lan và chuột nhắt. Nhưng trên mô hình chuột Hà lan gây hen bằng Histamin thì lại không có tác dụng rõ rệt.
Tác dụng an thần:
Thuốc có tác dụng tăng cường tác dụng gây mê của Pentobarbital sodium, làm giảm rõ rệt sự hoạt động của súc vật thực nghiệm.
Ảnh hưởng đối với hệ tuần hoàn:
Nước sắc thuốc lắng cặn bằng cồn chích tĩnh mạch hoặc thụt dạ dầy cho mèo đều có tác dụng hạ áp nhẹ, có tác dụng giãn mạch tai thỏ cô lập.
Tác dụng kháng khuẩn:
Thuốc có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn lî, thương hàn, bạch hầu, liên cầu khuẩn B, trực khuẩn lao, Virút cúm 68-1, virút ban phỏng.
Tác dụng đối với cơ trơn của ruột:
Nước sắc thuốc dùng cồn lắng có tác dụng làm giãn cơ trơn đoạn ruột cô lập chuột Hà lan rõ rệt, chống co thắt ruột do Histamin và acetylcholine gây nên.
Độc tính của thuốc:
Chích nước sắc thuốc vào bụng chuột nhắt gây nhiễm độc cấp LD50 là 15,2g/kg. Nước sắc thuốc dùng cồn lắng chích vào bụng chuột thì LD50 là 30,5g/kg nói lên độc tính giảm. Ứng dụng lâm sàng:
Theo Đông y
Trắc bá diệp vị đắng chát, tính hơi hàn; vào kinh tâm, can và đại tràng. Tác dụng lương huyết, cầm máu, tiêu độc; còn có tác dụng chữa đàm thấp. Trắc bá diệp thường dùng dưới dạng sao cháy tổn tính, trong các phương thuốc về huyết. Liều dùng: 6 – 12g. Dùng sống có tác dụng lương huyết, sao đen có tác dụng cầm máu (chỉ huyết). Xin giới thiệu một số bài thuốc có trắc bá diệp.


Lương huyết, cầm máu
Bài 1 – Bột trắc bách: trắc bá diệp (chế giấm) 60g, nghiền thành bột. Mỗi lần uống 8 – 12g, ngày uống 2 – 3 lần, chiêu với nước đun sôi còn ấm. Dùng khi huyết nhiệt mạnh gây chảy máu cam, băng huyết, tiểu tiện ra huyết.
Bài 2: trắc bá diệp (thán) 20g, bồ hoàng (thán) 16g, bạch thược (tẩm rượu sao) 63g. Tất cả nghiền thành bột mịn. Mỗi lần uống 8g, ngày uống 3 lần, chiêu với nước đun sôi còn ấm. Trị người nhiệt băng huyết.
Bài 3 – Hoàn Tứ sinh: sinh địa 20g, trắc bá diệp sống 12g, lá ngải sống 12g, lá bạc hà sống 12g. Tất cả giã nát làm hoàn hoặc sắc nước uống. Trị người nhiệt chảy máu cam.
Bài 4 – Thang bá diệp: trắc bá diệp (thán) 12g, gừng khô (thán) 6g, lá ngải để lâu 6g. Sắc uống. Trị nôn ra máu lâu không khỏi.
Bài 5: trắc bá diệp 12g, hạn liên thảo 20g, sinh địa 16g, hòe hoa 16g, huyền sâm 12g, địa cốt bì 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Chữa chảy máu do cơ địa dị ứng gây rối loạn thành mạch.
Trị đàm thấp chỉ đới: khi bị thấp nhiệt bạch đới. Dùng Hoàn trắc bá: trắc bá diệp 12g, bạch truật 12g, bạch thược 12g, bạch chỉ 12g, hương phụ 8g, hoàng liên 4g, hoàng bá 8g. Tất cả nghiền thành bột, dùng hồ gạo làm hoàn hoặc sắc nước uống. Trị thấp nhiệt bạch đới.
Chữa viêm thận cấp tính, đặc biệt với viêm bể thận: trắc bá diệp 63g, biển súc 63g, cam thảo 4g, đại táo 4 quả. Các vị sắc với 1.500 ml nước còn 500 ml, chia uống 3 lần trong ngày.
Chữa viêm bàng quang cấp: trắc bá diệp 16g, hoàng bá 16g, hạn liên thảo 16g, tỳ giải 16g, mộc thông 16g, hoàng cầm 12g, liên kiều 12g, hòe hoa 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Tổng hợp nhiều nguồn