Sức Khỏe

Triệu Chứng Bệnh Viêm Phế Quản, Cách Phòng Và Chữa Bệnh

Viêm phế quản là tình trạng viêm hoặc sưng các ống phế quản, đường dẫn khí giữa miệng, mũi và phổi gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.

Contents

Bệnh viêm phế quản là gì?

Bệnh viêm phế quản là một chứng viêm lớp niêm mạc ống phế quản, do nhiễm trùng. Phế quản là ống để không khí di chuyển. Những người bị viêm phế quản thường ho ra chất đờm dày, có thể bị đổi màu.

Viêm phế quản có hai loại gồm:

  • Viêm khí phế mạc cấp tính (viêm phế quản cấp tính): tình trạng nhiễm trùng ngắn hạn làm cho đường hô hấp trong phổi sưng và đầy chất nhầy. Loại cấp tính thường kéo dài trong vài tuần;
  • Viêm phế quản mạn tính: loại này kích thích liên tục các ống phế quản. Bệnh có thể kéo dài hàng tháng hoặc nhiều năm. Viêm phế quản mạn tính nghiêm trọng hơn nhiều so với viêm phế quản cấp tính.

Triệu Chứng Bệnh Viêm Phế Quản

Các triệu chứng viêm phế quản phổ biến gồm:

  • Ho kéo dài;
  • Ho ra chất nhầy, có lẫn máu;
  • Mệt mỏi;
  • Khó thở;
  • Sốt;
  • Tức ngực.

Nếu bị viêm phế quản cấp tính, bạn sẽ ho dai dẳng kéo dài trong vài tuần sau khi chứng viêm đã hết.

Nếu bạn bị viêm phế quản mạn tính, có thể mất nhiều thời gian hơn trước khi bệnh trở nên tồi tệ.

Vào những thời điểm đó, bạn sẽ có dấu hiệu và triệu chứng như viêm phế quản cấp tính.

Một số triệu chứng không được liệt kê ở trên. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Nguyên nhân mắc bệnh viêm phế quản?

Viêm phế quản cấp tính thường do nhiễm virus. Loại virus này cùng loại với virus cúm.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phế quản mạn tính là do hút thuốc lá.

Ô nhiễm không khí, bụi hoặc khí độc trong môi trường hoặc nơi làm việc sẽ làm tình trạng xấu đi.

Những Người Có Nguy Cơ Bị Viêm Phế Quản

Những ai thường mắc phải bệnh viêm phế quản?

Viêm phế quản là tình trạng sức khỏe rất phổ biến. Bệnh có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi.

Trong đó, viêm phế quản ở trẻ em là tình trạng khá phổ biến.

Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản?

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản, như:

  • Bạn nghiện hút thuốc. Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ bị viêm phế quản;
  • Sức đề kháng yếu. Sức đề kháng yếu có thể do một bệnh khác gây ra, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc do một bệnh mạn tính làm suy yếu hệ thống miễn dịch;
  • Tuổi tác. Người cao tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ mắc nhiễm trùng cao hơn;
  • Bạn làm việc xung quanh các chất kích thích phổi nhất định. Bạn tiếp xúc với ngũ cốc hoặc bông dệt hay khói hóa học sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh;
  • Trào ngược dạ dày. Nếu bạn thường xuyên bị trào ngược dạ dày, cổ họng có thể bị kích ứng và làm cho bạn dễ bị viêm phế quản.

Phương pháp điều trị bệnh viêm phế quản theo Tây Y

Nếu bạn bị viêm phế quản cấp tính, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc giúp giảm các triệu chứng, bao gồm:

  • Kháng sinh. Thuốc này không hoạt động tốt với bệnh viêm phế quản, nhưng bác sĩ có thể chỉ định cho bạn để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn nếu khả năng kháng thuốc của bạn thấp;
  • Thuốc ho. Nếu bạn ho quá nhiều, cổ họng và phế quản sẽ bị tổn thương. Nếu cơn ho khiến bạn không thể ngủ được, bạn cần phải dùng thuốc ho;
  • Các loại thuốc khác. Nếu bạn bị dị ứng, hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (POD), bác sĩ có thể chỉ định một ống thuốc hít và các thuốc khác để giúp giảm viêm và mở các đường hẹp trong phổi.

Nếu bị viêm phế quản mạn tính, bạn cần phải tiến hành phục hồi chức năng.

Liệu pháp này sẽ giúp bạn thiết kế một chương trình tập thể dục giúp bạn thở dễ dàng hơn và tăng khả năng tập thể dục.

Phương pháp chữa bệnh viêm phế quản theo Đông Y

Bài 1: Chữa viêm phế quản, ho, khó khạc đờm:

Tang bạch bì, tiền hồ, đào nhân, bối mẫu, mỗi vị 10g; Khoản đông hoa 8g, cát cánh 5g, cam thảo 3g. Sắc uống ngày một thang. Uống liền 1 tuần.

Bài 2: Hỗ trợ điều trị viêm phế quản trong giai đoạn cấp tính:

Kim ngân, lá dâu, mỗi vị 12g; Bạc hà, cúc hoa, lá ngải cứu, mỗi vị 10g, xạ can 8g. Sắc uống ngày một thang.

Hoặc: Tía tô 12g; Lá hẹ, kinh giới, mỗi vị 10g; Bạch chỉ, rễ chỉ thiên, mỗi vị 8g; Xuyên khung, trần bì, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang. Uống 5 – 7 ngày.

Bài 3: Hỗ trợ điều trị viêm phế quản mạn tính:

Vỏ rễ dâu, mạch môn, rau má, bách bộ, mỗi vị 10g; Trần bì, bán hạ chế, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.

Hoặc: Lá dâu sao vàng 15g, cát cánh 16g, tía tô 16g, cam thảo 16g, mơ muối 10g, rau tần dày lá 12g, sa sâm 16g, bối mẫu 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống 7 ngày là một liệu trình.

Bài 4: Hỗ trợ điều trị viêm phế quản cấp và đợt cấp của viêm phế quản mạn tính (người bệnh có biểu hiện ho, khạc nhiều đờm, họng khô đau, sốt, nhức đầu,…):

Tang diệp 16g, rễ cây chanh 8g, rễ cây dâu 12g, bán hạ chế 6g, bạc hà 8g, cúc hoa 8g, rau má 12g, xạ can 4g, lá hẹ 8g, rễ chỉ thiên 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liền 1 tuần.

Bài 5: Chữa ho do viêm phế quản:

Bách hợp 30g, mạch môn đông 10g, bách bộ 8g, thiên môn đông 10g, tang bạch bì 12g, ý dĩ nhân 15g, nước 1.000ml. Sắc còn 400ml, chia làm 3 lần, uống trong ngày. Uống 5 -7 ngày.

món ăn chữa viêm phế quản

Món Ăn Hỗ Trợ Chữa Viêm Phế Quản

– Cháo bách hợp, hạnh nhân:

Bách hợp tươi 50g, hạnh nhân 10g, gạo tẻ 50g.

Cách làm: Gạo vo sạch, cho vào nồi nấu cháo, đến khi gần được cho bách hợp và hạnh nhân (bỏ vỏ) vào, cho thêm ít đường, ăn trong ngày, có công dụng nhuận phế, trừ ho, dùng tốt cho người bệnh viêm phế quản, khí quản.

Lưu ý: Không dùng bách hợp trong trường hợp cảm lạnh, tiêu chảy, tỳ vị hư hàn.

– Cháo ý dĩ, hạnh nhân:

Ý dĩ nhân 30g, hạnh nhân 10g, đường phèn vừa đủ.

Cách làm: Lấy ý dĩ nhân nấu cháo, đợi khi gần chín cho hạnh nhân vào, để lửa nhỏ nấu đến khi chín, cho đường phèn, ăn vào buổi tối, sáng.

Tác dụng: Hóa đờm bình suyễn.

– Cháo phổi lợn, ý dĩ:

Phổi lợn 500g, ý dĩ nhân 50g, gạo lức 100g.

Cách làm: Phổi lợn rửa sạch, nước vừa đủ, cho 1 chút rượu, nấu chín vớt ra, thái miếng nhỏ rồi cho vào nồi cùng gạo lức đãi sạch, ý dĩ nhân, hành, gừng tươi, gia vị vừa đủ, đun to lửa cho sôi sau nhỏ lửa, hầm đến khi gạo chín nhừ là được.

Ngày 1 bát, chia vài lần, ăn thường xuyên rất có hiệu quả đối với người bệnh viêm phế quản.

– Cháo hạnh nhân:

Hạnh nhân 15g, gạo tẻ 50g.

Cách làm: Hạnh nhân bỏ vỏ, nghiền mịn, rồi nấu với gạo thành cháo, khi ăn nêm gia vị. Ăn nóng, vào sáng sớm và chiều tối.

Dùng cho người bệnh viêm phế quản, ho, khó thở, ngực bứt rứt.

– Cháo bí đao, ý dĩ:

Bí đao 30g, ý dĩ nhân 15g, gạo lức 100g.

Cách làm: Bí đao rửa sạch, nấu lấy nước bỏ bã; ý dĩ, gạo lức đãi sạch. Cho tất cả vào nồi nấu thành cháo, chia 2 lần ăn trong ngày.

Công dụng: Thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm ho, tan đờm.

– Lê hấp đường phèn:

Lê 2 quả, bột bối mẫu 10g, đường phèn 30g.

Cách làm: Quả lê ngâm rửa sạch, khoét bỏ hạt, cho bối mẫu và đường phèn vào trong quả lê, hấp chín. Ăn 2 lần (sáng, tối) trong ngày.

Công dụng: Trị viêm phế quản cấp, họng khô đau, ho khan ít đờm.

Trà Dược Chữa Viêm Phế Quản

– Trà phật thủ:

Phật thủ 30g, đổ nước vừa đủ đun sôi chắt lấy 200ml nước, hòa 20ml mật ong uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Nhuận phế, giảm ho, tiêu đờm, dùng tốt cho người bệnh viêm phế quản mạn tính.

Trà quất:

Trà mạn 2g, vỏ quất khô 2g. Cho cả hai thứ vào nước sôi hãm 10 phút. Ngày uống 2 lần, uống nóng sau các bữa ăn.

Công dụng: Trị ho có đờm, giảm kích thích phế quản phổi, dạ dày trướng hơi không tiêu.

– Trà trám, mơ:

Quả trám tươi 50g (có thể dùng trám khô 10g), quả mơ 10g, đường trắng vừa đủ. Bổ quả trám và mơ ra, cho nước vào đun 20 phút, bỏ bã lấy nước, thêm chút đường trắng, uống thay trà trong ngày.

Tác dụng: Thanh nhiệt giải độc, trị ho, nhuận táo, hóa đờm.

– Trà la hán quả:

Quả la hán 20g, nước 500ml. Cho quả la hán vào cốc, cho nước sôi đậy lại, ngâm 30 phút, uống ấm thay trà trong ngày.

Công dụng: Trị ho, hóa đờm, thanh nhiệt, nhuận phế.

– Trà mật ong, trứng gà:

Mật ong 30g, trứng gà 1 quả. Mật ong cho thêm một ít nước đun sôi; đập trứng vào, lấy đũa đánh cho tan. Ngày uống 1 – 2 lần, uống nóng.

Công dụng: Nhuận phế, trị ho, chữa viêm phế quản mạn tính, khản tiếng

Trị Ho, Cảm Mạo Bằng Cách Sử Dụng Trà Dược “Ngọc Bình Phong Ẩm”

Related Articles

Back to top button